Tartalom megjelenítő

null Quy định mới về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025

Trang chủ Chi tiết bài viết

Quy định mới về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025

Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2025 đã quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch UBND các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua.

Luật tổ chức chính quyền địa phương

Trong đó, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác lập là trách nhiệm gắn với chính quyền cùng cấp, phù hợp với nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

1. Công tác thanh tra - trách nhiệm hành chính của chính quyền địa phương

Tại khoản 15, Điều 17 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (gọi tắt là Luật TCCQĐP) quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm:

“Chỉ đạo việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm trong việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên tại địa phương.”

Đây là quy định thể hiện vai trò điều hành bộ máy hành chính của Chủ tịch UBND Tỉnh - với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định pháp luật trong phạm vi được phân công.

Bên cạnh đó, khoản 4, Điều 12 Luật TCCQĐP cũng quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước cấp trên trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chính quyền địa phương về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Tuy nhiên, đây là cơ chế giám sát giữa các cấp chính quyền, không đồng nghĩa với hệ thống tổ chức ngành dọc.

2. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo - trách nhiệm gắn với quản lý địa bàn

Tại khoản 16 Điều 17 Luật TCCQĐP khẳng định rõ Chủ tịch UBND Tỉnh có nghĩa vụ: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...”

Quy định này phù hợp với Luật Tiếp công dân năm 2013 và Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, thể hiện trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND trong việc duy trì tiếp dân thường xuyên, giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không chuyển giao trách nhiệm cho cơ quan chuyên môn hay cấp dưới.

Đối với UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã cũng thực hiện trách nhiệm tương ứng theo Điều 23, với nội dung tổ chức thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm - trong đó bao gồm cả nội dung tiếp dân và xử lý ban đầu các vụ việc phát sinh tại cơ sở.

3. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - từ giám sát đến tổ chức thực hiện

Tại khoản 8 Điều 15 Luật TCCQĐP quy định Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiệm vụ quyền hạn:

“Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương theo quy định của pháp luật.”

Đây là quyền giám sát và hoạch định chính sách - giúp nâng cao trách nhiệm công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách và tài sản công ở địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh - theo khoản 16 Điều 17 Luật TCCQĐP quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh như sau:

“Chỉ đạo và tổ chức thực hiện... phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và trong các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương.”

Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cấp tỉnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền với kết quả thực thi nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực.

Kết luận

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 đã thể hiện rõ tinh thần nâng cao trách nhiệm thực thi pháp luật của chính quyền địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như: thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Luật quy định rõ ràng trách nhiệm hành chính - chính trị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và người đứng đầu chính quyền các cấp, trong đó nhấn mạnh vai trò điều hành, tổ chức thực hiện và giám sát việc chấp hành pháp luật tại địa phương. Đây là bước hoàn thiện thể chế quan trọng, góp phần bảo đảm tính minh bạch, liêm chính, hiệu lực -hiệu quả trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại và phục vụ nhân dân trong giai đoạn mới.

Hữu Phúc

Tartalom megjelenítő